Các công trình xây dựng nói chung, trước khi được đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, thường được phân loại, phân cấp với các cấp độ bền vững khác nhau để xác định niên hạn sử dụng. Trong đó, có việc đồng thời xác định cấp và bậc chịu lửa thông qua hệ kết cấu và vật liệu xây dựng nhằm đưa ra các giải pháp cho việc thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho công trình.
Trong suốt vòng đời của một công trình hoặc tổ hợp công trình, việc kiểm tra, duy tu bảo dưỡng, bảo trì là công tác thường xuyên hoặc định kỳ, chủ yếu cho các bộ phận như kết cấu, hệ thống ME (Kỹ thuật cơ, điện, nước, điều hòa, mạng thông tin…) thường được quan tâm và chú ý nhiều để đảm bảo chức năng hoạt động của tòa nhà (hay công trình). Trong khi đó, hệ thống và trang thiết bị thuộc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) chỉ được “đánh thức” khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Thời gian qua, việc xảy ra cháy ở nhiều nơi, ở mọi thời điểm, ở các công trình có chức năng sử dụng khác nhau, đặc biệt là các khu nhà ở chung cư cao tầng nơi tập trung đông dân cư, hoặc các nhà máy, xưởng sản xuất, chợ, trung tâm thương mại, đến cả nhà ở riêng lẻ của cư dân tại đô thị và nông thôn, gây nhiều tổn thất về người và tài sản, dấy lên tâm lý hoang mang cùng những tranh luận trái chiều trong cộng đồng xã hội. Không những thế, việc xác định nguyên nhân, trách nhiệm là hết sức khó khăn từ các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) thông qua các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Quy chuẩn, Tiêu chuẩn (QC, TC), đến các tổ chức doanh nghiệp như Tư vấn thiết kế, Thi công xây dựng, các Chủ đầu tư xây dựng, các Ban quản lý tòa nhà (QLTN)…
Để đi tìm nguyên nhân và các vấn đề có liên quan – Bài viết sẽ làm rõ bản chất vấn đề, đồng thời đưa ra một số khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa tối thiểu nhất.
Những hạn chế và khiếm khuyết của QCVN 06: 2010/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn cháy cho Nhà và Công trình
Kể từ khi có QCVN 06: 2010/BXD (ra đời trên cơ sở của Luật PCCC số 27/2001/QH) và cho tới nay, chúng ta đã có Luật PCCC số 40/2013/QH13. Đây là một công cụ kiểm soát dưới Luật nói chung về PCCC cho tất cả các hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng tại Việt Nam. Sau gần 10 năm thực hiện, xuất hiện nhiều tranh luận, ý kiến trái chiều ngay cả đối với các cơ quan QLNN, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức trong việc thiết kế, cấp phép xây dựng, thi công xây dựng và cấp phép cho vận hành sử dụng về hệ thống PCCC… Nhưng, cho tới nay, chúng ta vẫn chưa biên soạn, bổ sung hoặc chỉnh sửa QC này. Những hạn chế và khiếm khuyết có thể thấy ngay ở những điểm chính sau:

– Quá trình xây dựng QC 06: 2010/BXD, đã tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, đặc biệt là cơ quan PCCC với đại diện là các Cục PCCC thuộc công an của các Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, trong đó lại thiếu nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Quy hoạch và Kiến trúc, dẫn tới việc QC 06 nặng về yếu tố kỹ thuật, mà bỏ qua, hoặc không tính đầy đủ những giải pháp về công năng, dây chuyền sử dụng trong công trình kiến trúc và quy hoạch hạ tầng. Bởi lẽ, một công trình hay tổ hợp công trình, phần công năng và chức năng sử dụng phải được thỏa mãn trước tiên, các hệ thống ME và PCCC sẽ được kết nối, sắp đặt một cách cơ hữu… để thỏa mãn các yêu cầu đó. Hệ thống PCCC là hệ thống kỹ thuật bắt buộc nhưng không có ý nghĩa quyết định đến chức năng, công năng hoạt động và sử dụng, chúng đứng sau để thỏa mãn cho các hoạt động cũng như sự an toàn của tòa nhà và con người. Ở đây, QC 06 đang có xu hướng áp đặt, buộc người thiết kế phải chạy theo, hạn chế rất nhiều ý tưởng sáng tác.

– QC 06 được xây dựng theo cấu trúc của một Tiêu chuẩn (TC), việc tra cứu hết sức phức tạp, nặng về các phần định lượng kỹ thuật với biểu bảng, số liệu và đơn vị đo (nó thường được mô tả trong TC). Trong khi đó, với vai trò là QC thì QC 06 lại chưa đạt vì QC cần hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhận biết, dễ thực hiện… với những yêu cầu tinh giản, tối giản! “Phải” chứ không phải là những tình huống: “Nếu”, “Nhưng”, “Có thể”, “Tuy nhiên” Ở đây cần nói rõ thêm, một nội dung hoặc tình huống cụ thể được nêu trong QC, thì có thể có nhiều giải pháp thực hiện thông qua các TC khác nhau chứ không phải chỉ có một giải pháp duy nhất.

– Đã là QC thì bắt buộc phải thực hiện, nhưng tại mục 1.1.7, QC 06 có ghi “cho phép giảm bớt một số yêu cầu của QC…”. Như vậy, sẽ tạo ra tiền lệ với cơ chế xin cho để lách luật. Hơn thế, QC này do Bộ Xây dựng ban hành, tuy nhiên mọi sự thay đổi trong quá trình điều chỉnh, thay đổi lại do Cơ quan Cục PCCC quyết định? Và chúng chẳng khác nào như việc lạm dụng, hội chứng điều chỉnh quy hoạch như đã xảy ra trong thời gian qua.
– Hiện nay, phần lớn các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình cao tầng được thiết kế với việc bố trí các thang bộ thoát hiểm với buồng thang và phòng đệm theo kiểu loại N1, N2, N3 như trong QC đã hướng dẫn (Điều 3.4.12). Trong thực tế, các loại thang N1 sẽ thích hợp hơn với những công trình xây mới ở các khu đô thị mới, các khu có diện tích rộng, khoảng lùi công trình lớn: khó khả thi ở các công trình xây dựng với diện tích hạn hẹp và hiếm quý trong các khu nội đô lịch sử. Do vậy, nếu có thể, không nên cứng nhắc cho loại thang N1 với điều kiện phải có thông thoáng tự nhiên qua buồng đệm thông qua hành lang hoặc lô gia, mà có thể xử lý quạt tăng áp, quạt hút cho cả buồng thang và phòng đệm như loại thang N2, N3. Đây là một thực tế xảy ra ở rất nhiều công trình xây dựng trong nội đô và cũng là khúc mắc lớn nhất trong việc xin điều chỉnh của các Chủ đầu tư, Cơ quan tư vấn thiết kế… Bởi hệ thống thang thoát hiểm, về bản chất, vẫn rất cần ở các vị trí lõi trung tâm để đảm bảo khoảng cách thoát hiểm, thoát nạn khi có cháy nổ.
– Với loại thang (loại 3), cầu thang bên ngoài nhà dạng hở để thoát nạn cũng nên làm rõ, loại thang này sẽ hở ở độ cao bao nhiêu? Hoặc tầng thứ bao nhiêu? Vì nếu ở quá cao, mà lại sử dụng thoát nạn thì sẽ rất nguy hiểm vì cảm giác độ cao của con người, môi trường không khí loãng, hơn thế bất lợi khi có gió to, mưa bão…
– Tại Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới nóng và độ ẩm cao, một “đặc sản” kiến trúc phổ biến cho những công trình cao từ 6 tầng trở xuống với cấu trúc hành lang bên, được bố trí xen kẹp, liên hoàn và linh hoạt theo kiểu tập trung hoặc phân tán với các loại thang bộ để hở. Nếu chiếu theo QC 06, trong quá trình xây mới hoặc cải tạo, có nhất thiết phải bịt lại các vị trí thang hở này để trở thành buồng thang không nhiễm khói theo kiểu N1, N2, N3 hay không? Liệu có nên coi đó là giải pháp hữu hiệu thoát nạn khi có cháy, trong khi việc đi lại, thoát nạn có xu hướng cản trở giao thông hơn, thoát chậm hơn…
– Năm 2010 mới có QC 06, nhưng việc xây dựng nhiều công trình cao tầng đã được thực hiện khoảng từ năm 1995, nhiều công trình như nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thu nhập thấp chưa có điều kiện tuân thủ QC này với việc thiếu thốn cơ bản hệ thống để PCCC và thoát nạn. Vấn đề đó cũng không thấy QC 06 đề cập việc phải cải tạo, bổ sung như thế nào?
– Nhà ở riêng lẻ (Tại điều 1.1.9) để ở hoặc chuyển đổi mục đích sang kinh doanh với việc bố trí lắp đặt các biển quảng cáo lớn ở mặt tiền, hoặc hệ thống nan chớp chắn nắng và bảo vệ, sẽ là hiểm họa khôn lường khi có cháy nổ, chặn hết các đường có thể tiếp cận để thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ… do chỉ có một mặt tiền duy nhất. Những quy định này cũng chưa thấy được đề cập trong QC 06.
– QC 06 cũng chưa thấy xây dựng đi trước, đón trước những vấn đề mà lĩnh vực xây dựng của Việt Nam sẽ đòi hỏi trong tương lai gần – Đó là sẽ xuất hiện nhiều nhà siêu cao tầng hoặc các công trình như bệnh viện, hỗn hợp chức năng…với nhu cầu, yêu cầu phải có bãi đáp cho máy bay trực thăng trên mái (H – Helicopter) để phục vụ các tiện ích, dịch vụ, cứu hộ đặc biệt…Khi đó, các vấn đề có liên quan đến thiết kế kiến trúc, hệ thống ME và PCCC sẽ có những yêu cầu đòi hỏi phức tạp và cao hơn rất nhiều.
Thực trạng công tác thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng và vận hành đưa vào sử dụng hệ thống PCCC cho các công trình xây dựng
Kể từ khi có Luật PCCC (2001) ra đời và đặc biệt là khi có QC 06, hàng loạt các đơn vị, tổ chức tư vấn thiết kế về PCCC mọc lên như nấm, trở thành một lĩnh vực tư vấn “hot” trên thị trường bởi phải kết nối với các công tác thẩm định, cấp phép về PCCC như kiểu cấp phép xây dựng, tương đối có tính độc quyền; thậm chí các dự án đầu tư xây dựng ở giai đoạn thiết kế ý tưởng cũng phải tranh thủ xin ý kiến của tư vấn thiết kế PCCC, cơ quan thẩm định và cấp phép nếu muốn ý tưởng đó trở thành hiện thực để thực hiện các bước tiếp theo.